Tại sao smartphone Trung Quốc lại có giá cực rẻ như vậy?

Các bác có biết tại sao smartphone Trung Quốc lại có giá cực rẻ như vậy không ạ? Một chiếc điện thoại cấu hình ngang Bphone mà giá chỉ có 5 triệu, trong khi Bphone bán 11 triệu, như vậy là sao nhỉ, bạn nào giải thích cho mình với....

Trả lời 8 năm trước
Cấu hình cao, giá thấp và nhiều tính năng hay khiến nhiều mẫu smartphone hàng xách tay của Xioami, Meizu hay Huawei, Lenovo... bán tốt và được nhiều người tìm mua. Song song với smartphone khoá mạng của Nhật hay Hàn Quốc, thị trường xách tay trong nước bắt đầu nở rộ các dòng smartphone vốn được phát hành riêng cho thị trường Trung Quốc. So với phiên bản quốc tế, những mẫu smartphone này có chút khác biệt, từ cấu hình, tính năng đến thiết kế. Từ cuối năm ngoái, smartphone Trung Quốc nội địa bắt đầu được nhiều người dùng trong nước tìm mua nhờ sự nổi tiếng của thương hiệu Xiaomi với các model như Mi3, Redmi Note rồi sau đó là Mi4, Mi Note Pro... Còn hiện giờ, thị trường xách tay đã không thiếu các nhãn hiệu lớn của Trung Quốc, từ Meizu, Coolpad, ZTE cho tới Lenovo hay Huawei... Dòng sản phẩm đa dạng từ phổ thông giá hai, ba triệu đồng cho tới các model đắt tiền hơn, thậm chí cả các mẫu cao cấp mới ra. Lúc trước cả Hà Nội chỉ có hai, ba cửa hàng làm những dòng smartphone Trung Quốc này, nhưng nay, chúng được bán khá phổ biến ở thị trường xách tay và được quảng cáo rầm rộ. "Giá rẻ, cấu hình mạnh, nhiều tính năng" là đặc điểm chung của những chiếc smartphone Trung Quốc nội địa, anh Tuấn, quản lý cửa hàng ClickBuy (Xã Đàn, Hà Nội), nhận xét. Với cửa hàng, việc nhập các dòng máy này cũng an toàn hơn khi hầu hết đều là hàng mới, chưa qua sử dụng mà vẫn có giá thấp và cạnh tranh, không vất vả như khi bán smartphone đã qua sử dụng. Giá máy mới của Xiaomi, Huawei, Lenovo lại rẻ hơn các dòng smartphone đã qua sử dụng của Samsung, HTC hay Sony. Ví dụ, Xioami Mi4 giá chưa tới 6 triệu đồng nhưng cấu hình mạnh ngang chiếc Sony Xperia Z3, khi có màn hình IPS Full HD, chip Snapdragon 801, RAM 3GB... Ngoài giá hời, cấu hình mạnh, không ít người chia sẻ họ thích smartphone Trung Quốc vì giao diện đẹp, chạy mượt và có nhiều tính năng tốt. Ngay cả những model tầm thấp giá chỉ vài triệu đồng cũng đã có các tính năng như chụp ảnh phơi sáng hay chỉnh tay, thậm chí, trào lưu camera selfie trên smartphone cũng được khởi xướng từ các model của Trung Quốc, anh Quang Lộc, chủ cửa hàng Lộc Mobile (Vương Thừa Vũ) chia sẻ. Trước thời Xioami, smartphone Trung Quốc còn bị đánh giá là xấu, cấu hình không tốt nhưng nay đã khác nhiều, ngay cả những dòng máy giá thấp chỉ vài triệu đồng cũng được đầu tư màn hình lớn, độ phân giải HD, vi xử lý 4 nhân, 8 nhân tốc độ cao, RAM tới 2GB. Điểm yếu của smartphone nội địa Trung Quốc là không chạy được các ứng dụng của Google. Hầu hết các nhà sản xuất smartphone lớn như Xiaomi, Huawei, Lenovo hay Meizu đều sở hữu một hệ điều hành riêng, thực chất là được tuỳ biến hoàn toàn lại từ Android của Google. Vì vậy, ban đầu chúng không có các dịch vụ của Google từ Gmail cho tới YouTube, Google Maps... và muốn dùng thì phải biết cách cài thêm. Thậm chí, một số dòng máy còn lỗi trong việc lưu danh bạ khi buộc phải thêm đầu số +84... Một mẫu smartphone cao cấp của Huawei về Việt Nam ngay sau khi ra mắt. Hiện tại, những người quan tâm tới smartphone Trung Quốc nội địa chủ yếu là giới hiểu biết về công nghệ hoặc những người chơi điện thoại, còn những người dùng thông thường vẫn e dè bởi tâm lý không thích hàng Trung Quốc, chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại ở Hà Nội nhận xét.
Trả lời 8 năm trước
Điện thoại Trung Quốc trong những năm gần đây đã có những bước tiến vượt bậc, với thị phần người dùng không ngừng tăng. Nhưng có một sự thật đó là hầu hết người dùng đến với những dòng sản phẩm này bởi giá thành rẻ tới bất ngờ của chúng. Đồ có xuất xứ Trung Quốc trước đây thường nhanh chóng bị dán mác "đồ Tàu" - để chỉ những mặt hàng có giá rẻ, chất lượng thấp và có thể dễ dàng. Tuy nhiên trong nhiều năm gần đây, các sản phẩm Trung Quốc nói chung, hay đồ công nghệ nói riêng, đang bắt đầu có những bước chuyển mình, nhằm thoát khỏi những định kiến không mấy tốt đẹp của người tiêu dùng trên toàn thế giới về đất nước này. Dễ thấy smartphone hay máy tính bảng Trung Quốc đang xâm lăng thế giới bằng chiến lược cấu hình cao nhưng mức giá lại rẻ "rẻ như bèo", gây hoang mang cho người tiêu dùng về chất lượng thực sự của chúng. Vậy đâu là sự thực giúp điện thoại Trung Quốc ngày một phát triển mạnh mẽ? 1. Tiền nhân công rẻ mạt Một trong những lý do đầu tiên dẫn tới việc smartphone, hay các mặt hàng công nghệ tại Trung Quốc có giá rẻ hơn nhiều so với các thương hiệu quốc tế, đó là vì chi phí lao động ở đây vô cùng rẻ mạt. Điều này trên thực tế còn được các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Apple tận dụng, bằng cách sản xuất, lắp ráp sản phẩm hàng loạt tại Trung Quốc . Nhờ vậy, họ sẽ tiết kiệm được đáng kể chi phí sản xuất. Các hãng smartphone Trung Quốc bên cạnh đó, còn mang thêm lợi thế đó là có thể sản xuất smartphone ngay tại quê nhà nên chi phí thậm chí còn thấp hơn nữa. Đây là những lý do giúp họ có thể hạ giá smartphone xuống mức cực thấp. 2. Sử dụng linh kiện giá rẻ Sử dụng linh kiện giá rẻ, kém chất lượng dẫn tới việc sản phẩm dễ dàng hỏng hóc - đây là lý do chính mà người dùng trong nhiều năm đã kêu gọi tẩy chay hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên nếu thẳng thắn nhìn nhận, không phải toàn bộ hàng Trung Quốc đều là kém chất lượng. Chúng chỉ đơn thuần là có một điểm chung: giá thành rẻ. Lý do là vì khi chọn lựa phần cứng, các hãng sản xuất dù là "chính hãng" cũng đều rất biết cách cân bằng giữa mức giá và hiệu suất nhằm tạo ra mức giá cạnh tranh hơn so với các thiết bị tương tự. Thí dụ như đa phần smartphone Trung Quốc sử dụng vi xử lý MediaTek vì mức giá rẻ và hiệu suất cao.Về camera, họ chủ yếu chọn Sony, bởi cảm biến của Sony có hiệu suất tốt và mức giá hợp lý. Từ đây khiến cho giá thành sản phẩm cũng được giảm đi rất nhiều so với những mẫu điện thoại cao cấp của các thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, đừng quên rằng Trung Quốc vẫn là quốc gia có lượng hàng giả, hàng nhái,.. nhiều bậc nhất trên thế giới, và điều này khó lòng thay đổi chỉ trong một vài năm. Sử dụng hàng Trung Quốc, bạn có thể may mắn sở hữu một sản phẩm chất lượng, nhưng vẫn còn đấy rủi ro không nhỏ khi mua phải một sản phẩm kém chất lượng, hàng lỗi, hay hàng nhái. 3. Khôn khéo trong marketing thương hiệu Chúng ta vẫn thường thấy các hãng điện thoại của Hàn Quốc, đặc biệt là Samsung, dành rất nhiều tiền vào các khâu quảng cáo. Mật độ xuất hiện sản phẩm của họ tương đối dày đặc, có thể là từ Tivi, phim ảnh, trên các website, diễn đàn, cho tới quán ăn, nhà hàng, rạp chiếu phim. Mỗi quảng cáo của Samsung cũng thường có thời lượng dài, được xây dựng công phu, hay gắn liền với những tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng khác trên thế giới. Các sản phẩm từ đó cũng vô hình chung bị "đội giá" lên khá cao vì phải bù một phần cho chi phí quảng cáo. Người Trung Quốc trái lại, rất ít khi vung tiền quá nhiều vào khâu quảng cáo. Thay vào đó, họ nghĩ cách sao cho rẻ nhất, mà hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất Trung Quốc thường bán thêm các phụ kiện, hay thậm chí là những mặt hàng tiêu dùng như giày và dép đi trong nhà một phần để tăng lợi nhuận, và cũng đồng thời là một cách hiệu quả để tự marketing thương hiệu cho bản thân. 4. Bán ra với số lượng hạn chế Xiaomi Mi3 cháy hàng tại Ấn Độ chỉ trong vòng 5 giây mở bán. Thay vì sản xuất hàng loạt, các hãng điện thoại Trung Quốc thường cho ra mắt từng đợt với số lượng sản phẩm có hạn. Đây là một phương pháp bán hàng hoạt động rất tốt, bởi nó vừa tạo ra nhu cầu cho sản phẩm, và vừa tránh được hàng tồn kho gây lãng phí. Nếu sản xuất quá nhiều sẽ khiến "cung" lớn hơn "cầu", và hàng ngay lập tức bị ế, đặc biệt là trong một thị trường đầy tính cạnh tranh như Trung Quốc. Những món hàng này sau đó một thời gian lại buộc phải giảm giá để tiêu thụ, dẫn tới việc lợi nhuận thu về bị kém hơn rất nhiều so với tính toán ban đầu. Chính nhờ phương pháp này, các nhà sản xuất Trung Quốc thường luôn kiểm soát được lượng thiết bị bán ra, và họ có thể điều chỉnh giá bán của sản phẩm ở mức rẻ hợp lý - vừa hấp dẫn khách hàng, mà không bận tâm những nguy cơ khiến hàng khó tiêu thụ. Kết Điện thoại Trung Quốc trong những năm gần đây đã có những bước tiến vượt bậc, với thị phần người dùng không ngừng tăng. Nhưng có một sự thật đó là hầu hết người dùng đến với những dòng sản phẩm này bởi giá thành rẻ tới bất ngờ của chúng. Trong tương lai, những Xiaomi, Huawei, hay OPPO có thể sẽ vượt qua Apple, Samsung để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất, uy tín nhất trên thế giới. Nhưng nếu ngày đó xảy ra, họ chắc chắn còn rất nhiều điều phải làm để chiến thắng các tín đồ công nghệ trên thế giới mà không cần dùng tới tuyệt chiêu "giá rẻ".
Trả lời 8 năm trước
Công nghệ cao nhưng không mang tính cách mạng Trong phần này chúng ta sẽ đề cập tới phần cứng của smartphone. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những mẫu smartphone Trung Quốc mạnh mẽ ngang Samsung Galaxy S6 nhưng có mức giá chưa bằng một nửa. Rõ ràng smartphone của gã khổng lồ Hàn Quốc sử dụng những linh kiện chất lượng nhưng đó không phải là sự khác biệt đáng lưu ý. Khi chọn lựa phần cứng, các hãng sản xuất Trung Quốc thường cân bằng giữa mức giá và hiệu suất nhằm tạo ra mức giá cạnh tranh hơn so với các thiết bị tương tự. Hầu hết smartphone Trung Quốc sử dụng vi xử lý MediaTek vì mức giá rẻ và hiệu suất cao, ngoài ra MediaTek cũng là một công ty Trung Quốc nên không cần tốn chi phí vận chuyển, phân phối. Về RAM, các hãng Trung Quốc thường không sử dụng RAM DDR4, họ sử dụng những module RAM DDR3 cao cấp với giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất cao. Về camera, họ chủ yếu chọn Sony, bởi giống như vi xử lý MediaTek, cảm biến camera của Sony có hiệu suất tốt và mức giá hợp lý. Về màn hình, chúng ta thấy trên thị trường tấm màn hình của các hãng Nhật Bản và Hàn Quốc thường có giá rẻ. Tuy nhiên, nếu phải chọn giữa tấm màn hình IPS và tấm màn hình AMOLED thì các ông chủ Trung Quốc thường chọn màn hình AMOLED của Samsung nhằm đảm bảo chất lượng.
Trả lời 8 năm trước
Thương mại điện tử là phương thức bán sản phẩm ưa thích của các hãng điện tử Trung Quốc. Các ông lớn như Samsung, Apple chi rất nhiều tiền vào việc xây dựng những cửa hàng bán lẻ nhưng và số tiền đó sẽ được tính vào giá sản phẩm. Khi bạn mua một chiếc Galaxy S6 Edge, số tiền bạn phải trả bao gồm cả chi phí phân phối dù bạn chưa bao giờ tới cửa hàng của Apple hay Samsung. Chi phí phân phối của smartphone Trung Quốc gần như không có bởi chúng không được bán trong các cửa hàng bán lẻ.
Trả lời 8 năm trước
Bạn có xem sự kiện ra mắt hoành tráng của Galaxy S6? Bạn có biết về hợp đồng quảng cáo đắt đỏ mà HTC ký với Robert Downey Jr hồi năm ngoái? Bạn có biết Sony phải chi bao nhiều tiền để thuyết phục diễn viên thủ vai James Bond sử dụng Xperia Z5 trong tập phim Xpectre công chiếu hôm nay? Dù bạn biết hay không thì những chi phí tiếp thị này cũng được tính vào giá sản phẩm. Các hãng Trung Quốc không chi nhiều tiền như vậy cho marketing, họ sử dụng mạng xã hội, một phương pháp marketing rẻ hơn nhưng hiệu quả hơn nhiều. Phương pháp này có thể tiếp cận những người có nhu cầu mua smartphone giá rẻ. Bạn muốn có một smartphone mà không muốn phải trả tiền cho chi phí marketing? Hãy mua một smartphone Trung Quốc.
Trả lời 8 năm trước
Do bán smartphone với giá rẻ nên tỷ suất lợi nhuận từ smartphone của các hãng Trung Quốc thường rất thấp. Vì vậy, họ thường bán thêm các phụ kiện nhằm tăng lợi nhuận. Phụ kiện phổ biến nhất là ốp lưng smartphone, tuy nhiên nhiều hãng, chẳng hạn như Xiaomi, thậm chí bán cả giày và dép đi trong nhà. Bạn có bao giờ nghĩ tới việc Galaxy S7 có giá chỉ 330 USD? Bạn có bao giờ nghĩ Samsung sẽ tăng lợi nhuận bằng cách bán giày? Tên của mẫu giày này có thể là Samsung Galaxy Shoes. Và điều gì xảy ra nếu Samsung bán cả quần áo? Hay đồ lót? Thực sự nhờ chiến lược bán dịch vụ và phụ kiện, các hãng sản xuất thu về được lợi nhuận giúp họ duy trì việc bán smartphone với giá cực thấp.