Phòng chống say nắng như thế nào?

Năm ngoái, vào thời gian gặt vụ chiêm, do làm việc giữa trưa nắng nên mẹ tôi đã bị say nắng. Năm nay, thời điểm gặt vụ chiêm đã cận kề, tôi rất lo mẹ tôi tham công tiếc việc lại đi làm và bị say nắng như lần trước. Xin hỏi quý báo có cách gì phòng chống say nắng không và cách xử trí khi bị say nắng là gì?
tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước
Say nắng là hiện tượng trúng nắng do phơi mình quá lâu dưới ánh sáng mặt trời hoặc ở nhiệt độ cao như ở trong hầm, lò. Thời điểm thường gặp say nắng là vào buổi giữa trưa, khi đó mặt trời chiếu thẳng xuống trái đất và cũng là thời điểm có nhiều tia tử ngoại. Khi bị say nắng, biểu hiện đầu tiên là vã mồ hôi, mặt đỏ nhừ, khó chịu, có trường hợp bị đau bụng, nôn mửa. Sau đó là các biểu hiện nặng hơn như hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, ngất lịm, tiểu ít. Thân nhiệt tăng cao, có khi lên đến 42-44oC. Đối với các trường hợp say nắng nếu không được xử trí kịp thời dễ dẫn đến hôn mê, co giật, có khi tử vong. Cách xử trí khi bị say nắng là ngay lập tức cần làm hạ thân nhiệt của người bệnh, đưa người bị say nắng vào chỗ có bóng mát, cởi bỏ bớt quần áo, uống nước lạnh có chút muối, sử dụng khăn thấm nước sạch lạnh lau người đồng thời theo dõi thân nhiệt của người bệnh đến khi hạ xuống 38oC. Trường hợp xử trí ban đầu không có kết quả và có biểu hiện nặng hơn cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời. Để phòng tránh say nắng, những người phải làm việc nhiều trong môi trường có nhiệt độ cao như nông dân làm việc ngoài trời, công nhân hầm lò... cần phải được trang bị mũ, nón che kín đầu và gáy. Uống nhiều nước khi khát, nước nên pha thêm một chút muối.