Chảy máu chân răng có phải dấu hiệu ung thư máu?

Em là nữ, năm nay 20 tuổi, đang bị một tình trạng chảy máu chân răng. Tuy nhiên, có điều lạ là em không thể cầm được máu.

Nhà em có một bác trai có tiền sử hồi bé bị chảy máu chân răng rất nhiều và nay bị ung thư máu. Do đó, gia đình em rất lo lắng, không biết em có bị ảnh hưởng gì không, liệu sau này em có bị ung thư giống bác không?

Mong các anh chị cho em lời khuyên và phương pháp chữa trị. 

Tống Minh Tùng
Tống Minh Tùng
Trả lời 7 năm trước

Chảy máu chân răng có thể là do viêm lợi, viêm quanh răng, u lợi… nhưng thường gặp nhất là do viêm lợi. Đây cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh toàn thân như thiếu vitamin, đái tháo đường, bệnh tim mạch…. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp chảy máu chân răng xuất phát từ việc vệ sinh răng miệng kém, có nhiều cao răng dễ gây viêm lợi, tụt lợi.

Bạn nên đi khám ở nha sĩ trước để biết mình có mắc các vấn đề về răng miệng hay không vì đây là các nguyên nhân hay gặp nhất trên thực tế. Nếu tình trạng không cải thiện, bạn nên đến gặp bác sĩ nội khoa để được tư vấn trực tiếp. Bác sĩ sẽ hỏi lại các dấu hiệu khác có liên quan, thăm khám toàn thân, đồng thời thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Bác sĩ không thể cho bạn lời tư vấn và điều trị cụ thể nếu không có đầy đủ thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của bạn hiện tại. Do đó, cách tốt nhất bạn nên làm đầu tiên là đến bác sĩ nội khoa để được thăm khám và có biện pháp chữa trị kip thời.

Ngoài ra, để hạn chế về tình trạng chảy máu chân răng, bạn nên sử dụng bàn chải lông mềm, khi các sợi nylon của bàn chải có dấu hiệu lão hóa, phải thay bàn chải ngay. Đánh răng nhẹ nhàng, quá trình đánh răng phải kéo dài ít nhất 3 phút. Trong đó, chỉ dùng lực vừa phải, không chà răng quá mạnh gây chảy máu chân răng. Tuyệt đối không được chà răng theo chiều ngang vì sẽ dẫn đến nguy cơ làm tụt nướu. Chà răng theo chiều dọc, từ trên xuống dưới cho hàm trên và từ dưới lên trên cho hàm dưới. Chỉ chà ngang đối với mặt nhai, sau đó súc sạch miệng với nước. Lấy cao răng và kiểm tra răng miệng 6 tháng/lần để hạn chế bị chảy máu chân răng.

Lê Thảo Anh
Lê Thảo Anh
Trả lời 7 năm trước

Bệnh bạch cầu tủy cấp (ung thư máu, bệnh máu trắng, bệnh bạch cầu…) là bệnh ác tính của cơ quan tạo huyết.

Trong đó có sự tăng sinh các tế bào non đầu dòng tủy bất thường và thiểu sản các tế bào máu bình thường ở tủy xương. Các tế bào ác tính tăng sinh trong tủy, dần dần thay thế các tế bào tạo máu gây ra các triệu chứng: nhiễm trùng (do bạch cầu chủ yếu là bạch cầu non mất chức năng chống nhiễm khuẩn), thiếu máu (do sự sinh sản dòng hồng cầu bị ức chế), xuất huyết (do giảm tiểu cầu).

1. Triệu chứng

Bệnh khởi phát đột ngột, nhưng thường có một giai đoạn tiền triệu kéo dài từ 1 đến 6 tháng với các dấu hiệu nặng dần của thiếu máu, nhiễm trùng và xuất huyết:

- Hội chứng thiếu máu: Xanh xao, yếu mệt, đánh trống ngực, khó thở, nhịp tim nhanh…

- Hội chứng nhiễm trùng: Sốt, thường nhiễm các vi trùng sinh mủ, viêm mũi họng, viêm đại trực tràng…

- Hội chứng xuất huyết giảm tiểu cầu: Biểu hiện bằng các vết thâm tím, ban xuất huyết, đốm xuất huyết ở dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, lợi xuất huyết kết mạc, chảy máu lâu cầm khi bị vết đứt nhỏ. Có thể xuất huyết tiêu hóa, tiết niệu hoặc dấu hiệu xuất huyết nghiêm trọng do đông máu nội mạch rải rác thường chỉ thấy ở thể bệnh bạch cầu cấp tiền tủy bào.

- Các dấu hiệu kèm theo: Đau nhức xương, lách to hoặc gan to, hạch to (thể bạch cầu cấp loại đơn nhân).

- Công thức máu và huyết đồ: Bạch cầu tăng rất cao, tiểu cầu luôn thấp, hồng cầu giảm (thiếu máu đẳng sắc), nguyên tủy bào thường chiếm đa số lượng bạch cầu.

- Chọc hút tủy xương, sinh thiết tủy xương thể hiện các dấu hiệu là bệnh bạch cầu dòng tủy.

Khi thấy có dấu hiệu mệt mỏi, thiếu máu rõ, có triệu chứng xuất huyết nhiều nơi như chảy máu chân răng tự nhiên, có các đốm và mảng bầm tím dưới da, sốt liên miên… cần nghi ngờ bệnh về máu, nhất là bệnh bạch cầu cấp.

Hồng Ngọc IVF
Hồng Ngọc IVF
Trả lời 7 năm trước

Thông thường các bệnh nhân ung thư máu hay chủ quan và dễ bỏ qua các triệu chứng của bệnh vì nó không có đặc trưng và cũng không được thể hiện rõ ràng. Tuy nhiên, nếu cảm nhận được các dấu hiệu dưới đây, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn điều trị.

– Sốt, nhức đầu, đau nhức xương khớp: có nguyên nhân từ sự chèn ép trong tủy

– Mệt mỏi, suy nhược, da dẻ nhợt nhạt do thiếu hồng cầu

– Dễ bị nhiễm trùng do chức năng chống nhiễm khuẩn của bạch cầu không thực hiện được.

– Dễ bị bầm tím, chảy máu chân răng do sự suy giảm khả năng làm đông máu.

– Chán ăn, sụt cân nhanh chóng

– Ra mồ hôi về ban đêm nhất là đối với bệnh nhân nữ

– Cảm giác khó chịu, chướng và sưng nề vùng bụng.

Tùy theo từng giai đoạn phát triển của bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị ung thư máu khác nhau, bao gồm:

Phương pháp hóa trị: là phương pháp giúp tiêu diệt tế bào ung thư trong cơ thể thông qua điều trị hóa chất (có thể là đơn hóa chất hoặc phối hợp đa hóa chất tùy theo phác đồ điều trị của bác sĩ).

Phương pháp điều trị đích: là phương pháp ức chế hoạt động của các protein bất thường và đồng thời ngăn chặn sự phát triển của tế bào ác tính.

Phương pháp điều trị sinh học: là phương pháp kích thích sự miễn dịch tự nhiên của cơ thể để giúp chống lại tế bào ung thư.

Phương pháp ghép tế bào gốc: là phương pháp điều trị ung thư máu bằng cách ghép tế bào gốc giúp nhằm tạo điều kiện cho hóa chất liều cao thực hiện được. Bao gồm 2 cách: ghép tế bào gốc tự thân và ghép tủy dị thân.

Hiện nay, phương pháp điều trị bệnh ung thư máu được áp dụng chủ yếu vẫn là thay tủy xương của bệnh nhân bằng tủy xương của người nhà hoặc một người hiến phù hợp. Từ đó, có thể kích thích cơ thể sinh ra hồng cầu và kìm hãm sự gia tăng đột biến của bạch cầu. Tuy nhiên, khả năng thành công của phương pháp này rất thấp và khả năng bệnh tái phát cũng rất lớn.