Cách phân biệt bún sạch với bún nhiễm hóa chất?

Nhà em rất thích ăn bún các mẹ ạ. Giờ hè rồi lại càng thèm ăn bún. Nhưng đọc báo thấy bún nhiễm hóa chất độc hại nhiều quá, làm em thấy sợ.

Các mẹ có cách nào phân biệt bún sạch với bún nhiễm hóa chất không ạ? 

Tống Minh Tùng
Tống Minh Tùng
Trả lời 8 năm trước

- Những sợi bún sạch sẽ hơi nát, có màu trắng đục hoặc tối màu và dễ đứt gãy. Ngoài ra, chạm tay vào có cảm giác hơi dính, nhuyễn. Đặc biệt, mùi của bún sạch mang vị chua hoàn toàn tự nhiên của gạo ngâm, không quá nặng mùi và khi ăn sẽ nồng lên hương thơm của bột gạo. Bún sạch để trong thời gian dài hoặc qua ngày sẽ dễ gây chua và ôi thiu.

- Bún chứa hàn the, hóa chất độc hại có màu trắng trong, sáng và sợi bún bóng mẩy, dai, khó đứt gãy. Chạm vào không có cảm giác nhuyễn, dính của bột gạo. Nhai bún nhiễm hóa chất trong miệng không hề kích thích tuyến bọt tiết ra mùi vị. Khi đưa ra ánh sáng mặt trời, sợi bún thường trắng óng ánh. Thậm chí, bún để cả ngày với nhiệt độ cao vẫn không hề có mùi chua, thiu. Những sợi bún đó, sẽ chuyển sang màu xanh và khô cứng.

Bún được coi là nguyên liệu quan trọng trong bữa ăn sáng của nhiều người. Ngoài ra, bún còn là thực phẩm thay thế cơm của phần đông dân công sở. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe, mỗi lần ăn bún, người trưởng thành nên ăn với lượng khoảng 180g – 190g (tương đương lưng bát to).

Đặc biệt, bún là nhóm thức ăn không thích hợp với trẻ nhỏ và người có bệnh đường tiêu hóa. Khi họ ăn bún sẽ dễ bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu và dễ gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày, tăng nguy cơ đau dạ dày. Vì vậy, không nên cho trẻ nhỏ và người bệnh đường tiêu hóa ăn bún.


Trịnh Bảo Nam
Trịnh Bảo Nam
Trả lời 8 năm trước

Cách đơn giản đầu tiên là nhìn vào màu của sợi bún. Bún được làm từ gạo, chính vì vậy, màu của bún khi thành phẩm sẽ không thể trắng hơn gạo. Cũng như gạo khi mang nấu thành cơm, màu của bún nếu không dùng hóa chất sẽ có màu trắng ngà tương tự như màu cơm. Khi thấy bún trắng bất thường, khả năng người chế biến đã cho vào chất tẩy trắng hoặc một số chất tương tự để làm bún trắng hơn.

Cũng bằng cảm quan, nếu thấy cọng bún quá sáng bóng mẩy thì cũng có khả năng bún được xử lý bằng hóa chất. Sợi bún không có hóa chất thường không thể quá “mượt mà”. Gạo không dùng hóa chất cũng sẽ không thể cho sợi bún quá dai. Bún không dùng hóa chất cũng dính hơn.

Kế đến, do bún làm từ gạo cho nên dễ bị chua, chính vì thế người bán muốn bảo quản thì phải bảo quản ở nhiệt độ thấp hoặc thoáng mát. Nên nếu bún để ngoài chợ với nhiệt độ cao, để đến cuối ngày mà ngửi vẫn không chua hỏng thì có khả năng đã được xử lý hóa chất. Loại hóa chất chống hỏng được phép sử dụng nhưng phải trong liều lượng cho phép.

Bún ít hóa chất khi ăn sẽ có cảm giác của tinh bột hoặc người ăn cảm thấy rõ mùi vị của bột gạo. Cho nên những loại bún nhai trong miệng mà không có mùi vị thì nguy cơ bị dùng hóa chất là cao hơn.

Ngoài ra, các bạn cũng có thể kiểm tra độ kết dính của bún bằng cách đơn giản đó là: sờ vào các sợi bún và miết 2 đầu ngón tay nếu thấy sợi bún mềm và dính nhiều thì đó là bún thường, còn ngược lại là bún chứa hóa chất độc hại.

Do đó, khuyên các bạn nếu có mua bún tươi thì cần lựa chọn những địa chỉ mua hàng uy tín, đáng tin cậy. Nếu như không dùng ngay, bạn có thể bảo quản ở những nơi thoáng mát, tránh những nơi có nhiệt độ cao, ánh nắng trực tiếp chiếu vào.

Còn nếu bạn sử dụng bún khô thì cần kiểm tra kĩ nguồn gốc, nhãn hiệu và hơn nữa trên bao bì cần ghi rõ hạn sử dụng, nhà sản xuất, địa chỉ cụ thể…